Khoa Nông học được thành lập từ năm 1955. Tiền thân của khoa Nông học là Ban Canh nông (Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc, 1955); khoa Canh nông (Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp, 1968; Học viện Quốc gia Nông nghiệp, 1974); khoa Trồng trọt (Trường Đại học Nông nghiệp IV, 1975). Từ năm 1990 đến nay, khoa được mang tên khoa Nông học, thuộc Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.
NHIỆM VỤ
Khoa Nông học đảm nhận 3 nhiệm vụ chính:
1. Đào tạo: đào tạo đại học (kỹ sư) và sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ)
2. Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất cây trồng
3. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và hợp tác quốc tế
MỤC TIÊU
Đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật nông nghiệp (chuyên ngành Nông học và Bảo vệ thực vật) trình độ đại học (kỹ sư) và sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội; có kiến thức và kỹ năng tốt trong các hoạt động chuyên môn, có năng lực chỉ đạo sản xuất tốt, phục vụ không chỉ thị trường lao động trong nước mà cả thị trường các nước trong khu vực, cũng như thế giới.
HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
- Đào tạo đại học (chương trình 4 năm) với 2 chuyên ngành:
1. Nông học
2. Bảo vệ thực vật
- Đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) với 2 chuyên ngành:
1. Khoa học cây trồng
2. Bảo vệ thực vật
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Khoa có 7 bộ môn (Sinh lý - Sinh hóa, Di truyền chọn giống cây trồng, Bảo vệ thực vật, Khoa học đất và phân bón, Quản lý nguồn nước, Cây công nghiệp và dược liệu, Cây lương thực - Rau - Hoa quả), 1 tổ văn phòng và 1 trại thực nghiệm rộng 12 ha để phục vụ cho rèn nghề, thực hành thực tập của giảng viên và sinh viên với các trang thiết bị, máy móc hiện đại được đầu tư bởi dự án World Bank và dự án giáo dục đại học Việt Nam - Hà Lan.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Các hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung chủ yếu vào việc phục vụ sản xuất cây trồng và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững với các vấn đề trọng tâm như:
- Tuyển chọn và phổ biến các giống cây trồng; nghiên cứu các biện pháp tăng năng suất và chất lượng cây trồng
- Nghiên cứu quản lý nguồn nước và đất
- Nghiên cứu các hệ thống canh tác tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên
- Nghiên cứu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và nitrate trong nông sản và môi trường; vấn đề nhiễm bẩn vi sinh trên nông sản
- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ
- Nghiên cứu các kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón cho cây trồng
- Nghiên cứu sâu bệnh hại các cây trồng và biện pháp phòng trừ
HỢP TÁC NGHIÊN CỨU
Các dự án, chương trình hợp tác trong nước: tham gia phối hợp nghiên cứu với nhiều cơ quan và các viện nghiên cứu trong nước: Sở khoa học công nghệ và môi trường TP.HCM., Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh; Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Viện cây ăn quả miền Nam; Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long…
Các dự án, chương trình hợp tác quốc tế: Tiêu biểu là dự án giáo dục đại học Việt Nam - Hà Lan, dự án World Bank; chương trình đánh giá tổn thất năng suất lúa canh tác nhờ nước trời (GTZ); chương trình quy hoạch thủy lợi vùng bán đảo Cà Mau (IRRI); chương trình áp dụng các kỹ thuật sạ khô lúa trên vùng sử dụng nước trời (IRRI); chương trình cải tạo đất phèn (IRRI); chương trình lúa - tôm (ACIAR); chương trình cây có củ (CIAT); chương trình phát triển nông thôn giữa Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Thụy Sỹ; chương trình bảo vệ tài nguyên vùng cao (Ford Foundation); chương trình cây cacao (ACRI, Mỹ); chương trình nghiên cứu tác động hóa bảo vệ thực vật lên cộng đồng vi sinh vật đất (IRRI); chương trình nghiên cứu ô nhiễm đất và cây trồng (ACIAR); dự án Bọ dừa (FAO); chương trình bảo tồn nguồn gene hạt giống cây (Darwin Initiative và ÐH Reading, UK).
CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT
Khoa Nông học đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình sản xuất rau an toàn và các quy trình thâm canh trên nhiều loại cây trồng cho các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Đồng thời, Khoa cũng đã mở nhiều khóa tập huấn ngắn hạn để nâng cao trình độ kỹ thuật cho các cán bộ địa phương.
Một số hình ảnh thực tập giáo trình môn học
Số lần xem trang: 4239
Điều chỉnh lần cuối: 26-08-2023