Sự phù hợp và các đóng góp của dự án vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, quy hoạch phát triển ngành, vùng và địa phương

Sắn là cây trồng quan trọng với nhiều quốc gia trong khu vực nhiệt đới. Tinh bột sắn là nguồn lương thực hàng ngày cho hơn nửa tỷ người, đồng thời là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau như công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất

Trong xu hướng trái đất ngày càng ấm lên kéo theo biến đổi khí hậu và các diễn biến thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến, vai trò của cây sắn ngày càng quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp nhờ khả năng chịu hạn cao, dễ trồng, chi phí thấp so với nhiều loại cây trồng khác.

Cây sắn còn là cây cho lượng cacbonhydrat cao và cũng là cây có tỷ lệ thu hồi ethanol cao nhất. Ethanol hiện đang là nguyên liệu sản xuất xăng sinh học E5. Việc sử dụng Việc sử dụng nhiên liệu sạch trong các đô thị hiện đại đang trở thành nhu cầu tất yếu; hiện nay, cùng với mía, sắn là cây chủ lực trong lĩnh vực sản xuất ethanol. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ ngày 1/1/2018, xăng E5 sẽ được bán phổ biến trên phạm vị cả nước, thay thế xăng khoáng RON 92.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam 2010-2020 hướng tới tăng năng suất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp để thu ngoại tệ. Sắn là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ yếu sau lúa và mía ở Việt Nam. Sản xuất sắn đã tăng mạnh trong 20 năm qua theo thống kê của cục thống kê, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2016 đạt 556.000 ha, sản lượng sắn đạt 10,931 triệu tấn. Về quy hoạch diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất năng lượng sinh học giai đoạn 2021-2030, diện tích trồng sắn sẽ được duy trì ở mức ổn định 550 nghìn ha, sản lượng đạt 16,5 triệu tấn. Như vậy, diện tích sản xuất sắn không mở rộng nhưng yêu cầu sản lượng sắn tăng cao.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, sản lượng sắn trong khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loài côn trùng xâm hại và các bệnh khác nhau. Hai ví dụ điển hình là sự bùng phát của rệp sáp hại sắn (Phenacoccus manihoti) và bệnh chổi rồng do phytoplasma gây ra. Sau khi xuất hiện ở Thái Lan trong năm 2008, rệp sáp hại sắn đã gây ra thiệt hại năng suất lên đến 30-40% và nhanh chóng lan rộng đến các vùng trồng sắn chủ yếu trong khu vực. Với vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong danh mục cây trồng của các cộng đồng nông thôn Đông Nam Á, sự xuất hiện gần đây của sâu hại và dịch bệnh trên cây sắn đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng với tính bền vững của đời sống địa phương cũng như mối liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp. Tác hại trên diện rộng này đã và đang trở thành vấn đề cấp bách. Nó là hậu quả của sự thiếu sót trong chương trình quản lý trồng trọt và thiếu các ràng buộc kiểm định thực vật thông thường đối với cây sắn. Là loại cây trồng chủ yếu bằng nhân giống vô tính, ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, cây sắn được trồng xoay vòng sử dụng các đoạn thân thu hoạch được từ vụ trước. Tuy nhiên, hom sắn không được sàng lọc loại bỏ các bệnh truyền nhiễm qua vật liệu giống và không được khử trùng, trong khi hiện tại không có hệ thống cung cấp hom giống sạch bệnh cho nông dân. Phương thức canh tác trên đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của các bệnh do rệp hay bệnh chổi rồng ở cây sắn. Thêm vào đó, do một thời gian dài không xuất hiện của một số loại sâu và bệnh hại đã khiến cho năng lực giám sát và xác định các loại sâu bệnh của địa phương bị suy yếu. Trên cơ sở đó, việc thiết lập một hệ thống sàng lọc các giống cây dễ nhiễm bệnh, phát triển hệ thống giống sạch, và phát triển hệ thống giám sát quản lý sâu bệnh hại mới phát sinh là những yếu tố thiết yếu cho chiến lược quản lý sâu bệnh hại bền vững.

Điều này đã được xác định trong chính sách của Chương trình Phát triển Nông thôn Nông nghiệp. Chương trình này nhằm mục đích phát triển lương thực có giá trị gia tăng cao và phát triển nền kinh tế nông thôn thông qua việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường tổ chức sản xuất nông nghiệp, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa sinh kế. Thông báo số 4245/TB-BNN-VP ngày 01 tháng 06 năm 2015 về kết luận của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cao Đức Phát sau Hội nghị “Phát triển sản xuất sẵn bền vững” cũng đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc quản lý dịch hại và phát triển hệ thống sản xuất sắn. Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu:

Các viện nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo hoặc nhập nội các giống sắn mới có năng suất cao, chống chịu tốt với dịch bệnh.

Mở rộng các dự án khuyến nông đối với cây sắn.

Cục Bảo vệ thực vật tập trung chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, xử lý bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng và các loại sâu bệnh khác trên cây sắn.

Đối với bệnh chổi rồng, thán thư hại sắn và rệp sáp bột hồng Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện các đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh chổi rồng và bệnh thán thư hại sắn (2011-2014)” và “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti Matile-Ferrero) hại sắn tại Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (2017-2020).

Chi tiết về các hoạt động của dự án xin truy truy cập website: http://jica-casps.com/project-overview/

Số lần xem trang: 2310
Điều chỉnh lần cuối: 17-09-2018

Trang liên kết

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn chín bốn tám hai

Xem trả lời của bạn !